Với 15 calorie trong 100g, vitamin C và một sắc tố đỏ rực rỡ giúp gìn giữ tuổi xuân, cà chua có thể ví von là tràn đầy chất lượng!
Càng ngày người ta càng phát hiện nhiều tính chất kỳ diệu do cà chua mang lại cho sức khỏe. Với thành phần gồm 94% nước và 15 calories/100g, không lipid và glucid, chất xơ (1g/100g) chủ yếu nằm trong hạt và vỏ. Các acid sinh học kích thích điều tiết dịch tiêu hóa giúp chuyển hóa. Với bộ ba vitamin C, E và pro-vitamin A, cà chua có thể lấp đầy khoảng 15% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày.
Ngoài ra, còn một số khoáng chất, đặc biệt là potassium, tham gia vào hoạt động của thận; calcium, magnesium, một ít kẽm... Hàm lượng các thành phần này trong cà chua thay đổi tùy theo thổ nhưỡng và phân bón sử dụng. Các khoáng chất tổng hợp với acid sinh học tạo nên các cặn bã trung tính, nên cà chua dù có vị chua vẫn tham gia vào việc gìn giữ cân bằng acid basic trung hòa ở môi trường bên trong cơ thể.
Thành phần chống ô-xy hóa tuyệt vời của pro-vitamin A và lycopen, bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do. Thuốc lá, tiếp xúc nhiều với tia UV làm thoái hóa tế bào dẫn đến lão hóa sớm. Lycopen được hấp thu dễ dàng hơn khi cà chua được nấu chín. Pro-vitamin A còn giúp bảo vệ mắt khỏi các rối loạn thị giác. Hai thành phần mới nhất của cà chua được phát hiện là chlorin và sulfur, có khả năng lọc cặn bã trong cơ thể, giúp làm tan mỡ và bảo vệ gan khỏi sự ứ đọng.
Ngăn ngừa ung thư nhờ vào lycopen là điều được nhắc đến đầu tiên khi nói đến loại trái cây, rau này. Các thống kê dịch tễ học cho thấy ăn cà chua thường xuyên sẽ hạ tỷ lệ nguy cơ mắc các chứng ung thư tuyến tiền liệt, thực quản, phổi... một cách đáng kể.
Lưu ý: Những người có đường ruột và dạ dày yếu nên hạn chế ăn cà chua, vì hạt và vỏ cà chua dễ gây dị ứng, trào ngược và loét dạ dày do thừa acid.